Mặt trời

Đăng ngày: 18-03-2019 | Lượt xem: 12454
Cách Trái đất gần 150 triệu km, Mặt trời là trái tim của hệ mặt trời, giữ cho hành tinh của chúng ta ấm áp để các sinh vật có thể phát triển mạnh mẽ

Mặt trời cung cấp năng lượng cho toàn bộ sự sống trên Trái đất, điều khiển các chu trình thủy văn, các dòng hải lưu và Thời tiết. Mặt trời định hình cảm xúc và hoạt động hàng ngày của mỗi chúng ta. Và Mặt trời cũng chính là nguồn cảm hứng bất tận cho âm nhạc, nhiếp ảnh và nghệ thuật.

Cách Trái đất gần 150 triệu km, Mặt trời là trái tim của hệ mặt trời, giữ cho hành tinh của chúng ta ấm áp để các sinh vật có thể phát triển mạnh mẽ. Hơn 4,5 tỷ năm qua, quả cầu plasma rực rỡ này là nguồn năng lượng vô tận dành cho vòng quay của sự sống, khí hậu và thời tiết trên trái đất.

Đường kính của Mặt Trời là khoảng 1,39 triệu km (864 000 dặm), lớn gấp 109 lần so với Trái Đất. Nhiệt độ tại lõi của nó là khoảng 15 triệu ° C (27 triệu ° F). Nhiệt độ tại bề mặt của Mặt Trời  là khoảng 5 500 ° C (10 000 ° F).

Mặt trời – nguồn sáng và năng lượng cho toàn bộ sự sống trên trái đất

Không có ánh sáng và sức nóng ổn định của Mặt Trời, sự sống trên Trái Đất sẽ không còn tồn tại. Nhiệt phát ra từ Mặt Trời làm nước chuyển sang thể lỏng trên hành tinh. Đây là nguồn nước để duy trì sự sống từ vi khuẩn, thực vật, côn trùng, động vật, con người. Mặt Trời cũng cung cấp năng lượng cho chu trình thủy văn, tác động liên tục làm nước bốc hơi vào khí quyển, sau đó tạo thành mưa rơi trênTrái Đất.

Mặt Trời là một ngôi sao có hoạt động của từ trường. Nó có từ trường biến đổi mạnh mẽ hàng năm và đổi hướng sau mỗi 11 năm. Từ trường của Mặt Trời tăng lên gây ra một số hiệu ứng như vết đen trên bề mặt của Mặt Trời, vết sáng Mặt Trời hay các hiện tượng cực quang sâu rộng khác. Cực quang Aurora Borealis (Ánh sáng phương Bắc) và cực quang Aurora Australis (Ánh sáng phương Nam) là những biểu hiện rõ ràng của hoạt động từ trường này.

Dịch vụ Khí tượng Thủy văn Quốc gia cung cấp các chuyên gia và dịch vụ vừa khai thác năng lượng Mặt Trời và vừa bảo vệ chúng ta khỏi tác động của nó. Dịch vụ này bao gồm quan trắc và dự báo thời tiết 24/7, theo dõi nồng độ khí nhà kính , bức xạ cực tím, aerosol và ozone và những ảnh hưởng của chúng đối với con người, khí hậu, chất lượng không khí và nước cũng như đời sống dưới biển và trên cạn.

Mặt trời và các mùa

Độ nghiêng của trục Trái đất so với quỹ đạo của nó quay quanh Mặt trời sẽ quyết định lượng ánh sáng ban ngày và lượng ánh sáng mặt trời nhận được ở các vĩ độ khác nhau, từ vùng cực đến vùng xích đạo. Những thay đổi này tạo ra chu kỳ các mùa hàng năm và kéo theo sự thay đổi nhiệt độ.

Điểm phân

Điểm phân ở Bắc bán cầu xuất hiện hai lần một năm vào khoảng ngày 20 tháng 3 (xuân phân) và khoảng 22 tháng 9 (thu phân). Chúng xảy ra giữa hạ chí và đông chí, đánh dấu khi mặt phẳng  xích đạo của Trái Đất đi qua tâm Mặt trời. và trở thành vị trí chính giữa trên đường xích đạo giữa Bắc bán cầu và Nam bán cầu. Ngoại trừ tại xích đạo, điểm phân là những ngày duy nhất có ánh sáng ban ngày và buổi tối bằng nhau. Tại xích đạo, tất cả các ngày trong năm đều có cùng số giờ sáng và tối.

Điểm chí

Điểm chí xảy ra hai lần trong một năm và được gọi là "hạ chí" và "đông chí". Hạ chí - xảy ra vào khoảng ngày 21 tháng 6 ở Bắc bán cầu - là ngày có thời gian ban ngày dài nhất trong năm, trong khi đông chí – xảy ra vào hoặc khoảng ngày 21 tháng 12 ở Bắc bán cầu - là ngày có thời gian ban ngày ngắn nhất.

Khi hạ chí ở Bắc bán cầu xuất hiện, các khu vực phía bắc của Bắc Cực nhận được ánh sáng mặt trời trong 24 giờ, trong khi các khu vực phía nam của Nam Cực có một ngày hoàn toàn chìm trong bóng tối. Hiện tượng này diễn ra ngược lại vào đông chí.

Vào ngày hạ chí, mặt trời đạt đến điểm cao nhất trong năm, trong khi vào ngày đông chí, mặt trời buổi trưa là điểm thấp nhất trong năm. Trong ngày hạ chí, Bắc bán cầu nghiêng về phía mặt trời dẫn đến tăng ánh sáng mặt trời và nhiệt độ ấm hơn, điều này dẫn đến ánh sáng ban ngày liên tục ở các quốc gia phía bắc xa xôi như Iceland và Na Uy.

Biên dịch tin bài: Thanh Tâm

Nguồn WMO: https://worldmetday.wmo.int/en/sun

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: