Bảo vệ loài linh trưởng quý hiếm thoát khỏi nguy cơ tuyệt chủng

Đăng ngày: 05-03-2021 | Lượt xem: 7674
Voọc mũi hếch là một trong những loài linh trưởng quý hiếm nhất trên thế giới và hiện còn khoảng 200 con, chủ yếu sinh sống ở vùng rừng núi Hà Giang. Những năm qua, Tổ chức Bảo tồn động, thực vật hoang dã quốc tế (FFI) đã phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hà Giang triển khai Dự án bảo tồn Voọc mũi hếch, giúp loài vật quý này thoát khỏi nguy cơ tuyệt chủng.

Một nhóm voọc mũi hếch tại rừng Khau Ca. Ảnh: Tổ chức Bảo tồn động, thực vật hoang dã Quốc tế (FFI)

Năm 2002, một quần thể Voọc mũi hếch khoảng 60 con được các nhà khoa học phát hiện tại khu rừng đặc dụng Khau Ca (huyện Vị Xuyên và huyện Bắc Mê); năm 2008, tiếp tục phát hiện quần thể Voọc mũi hếch thứ 2 tại vùng rừng núi Tùng Vài (huyện Quản Bạ) với khoảng 30 - 60 con.

Để bảo tồn loài linh trưởng quý hiếm này, FFI đã phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hà Giang triển khai Dự án bảo tồn Voọc mũi hếch với nhiều hoạt động thiết thực. Ngày 18/8/2015, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 1377/QĐ-TTg về việc thành lập Vườn Quốc gia Du Già - Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) trên cơ sở sáp nhập Khu bảo tồn thiên nhiên Du Già với Khu bảo tồn loài và sinh vật cảnh Voọc mũi hếch Khau Ca, phân vùng bảo vệ nghiêm ngặt trên 11.224 ha.

Với quyết định này, loài Voọc mũi hếch và các loài sinh vật trong khu vực sẽ từng bước được bảo tồn, phát triển. Nhờ vậy, số lượng cá thể Voọc mũi hếch tăng lên đáng kể. Tại rừng đặc dụng Khau Ca, từ 60 cá thể được phát hiện năm 2002 đến nay đã tăng lên 144 -160 cá thể. Tuy nhiên, tại khu vực rừng phòng hộ Cao - Tả - Tùng (các xã Cao Mã Pờ, Tả Ván, Tùng Vài của huyện Quản Bạ), mặc dù FFI và Chi cục Kiểm lâm quan tâm, chú trọng công tác quản lý rừng phòng hộ, cấp ủy, chính quyền các xã trong khu vực thường xuyên chỉ đạo cộng đồng dân cư cùng chung tay bảo vệ khu vực rừng có Voọc mũi hếch sinh sống, nhưng sau 10 năm, số cá thể đã giảm xuống chỉ còn 20 con.

Trước sự giảm sút số lượng cá thể Voọc mũi hếch ở Tùng Vài, FFI cho rằng, việc bảo tồn Voọc mũi hếch tại Quản Bạ rất quan trọng, vì sự sinh tồn của một loài khó chắc chắn nếu chỉ có một quần thể nhỏ ở Khau Ca, bởi các sự cố ngẫu nhiên về dịch bệnh, thảm họa... có thể làm quần thể suy giảm nên cần có các quần thể khác dự phòng và tạo sự đa dạng về nguồn gen.

Ông Bùi Văn Đông - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hà Giang cho biết, việc bảo tồn loài linh trưởng quý hiếm này trở nên rất cấp thiết. Hiện nay, công tác bảo tồn gặp một số khó khăn như: việc mở đường dân sinh đi qua khu rừng đặc dụng và có nhiều hộ dân đang sinh sống, canh tác trong khu bảo tồn và khai thác nguồn lợi từ rừng đã tác động xấu đến môi trường sinh cảnh của Voọc mũi hếch; ý thức chấp hành các quy phạm pháp luật về công tác quản lý, bảo vệ rừng của một số người dân gần khu bảo tồn chưa cao; còn tình trạng khai thác lâm sản trái phép...

Nhằm nâng cao nhận thức trong việc bảo tồn Voọc mũi hếch cho đồng bào các dân tộc ở những vùng phát hiện có loài vật quý hiếm này, những năm qua, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hà Giang đã phối hợp cùng với UBND các huyện tổ chức tuyên truyền về các biện pháp bảo tồn loài linh trưởng này cho trên 5.000 hộ dân sống quanh vùng và trong khu bảo tồn. Sau khi được phổ biến kiến thức, người dân đã cam kết không săn bắt, không đặt bẫy, giăng lưới bắt loài linh trưởng này. Đặc biệt, bà con các dân tộc thiểu số khu vực Voọc mũi hếch sinh sống cũng đã bỏ được tập quán phát nương làm rẫy nên không làm thay đổi sinh cảnh, tạo môi trường cho loài vật quý hiếm này sinh sống và phát triển.

Năm 2021, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hà Giang phối hợp với các lực lượng chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ loài Voọc mũi hếch; phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tuyên truyền, vận động người dân giao nộp, thu hồi súng săn, vật liệu nổ, bẫy động vật hoang dã; kiện toàn các tổ chức tự quản trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng ở các địa bàn vùng có Voọc mũi hếch sinh sống.

Ông Bùi Văn Đông - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hà Giang cho rằng, để giúp Voọc mũi hếch phát triển trong điều kiện của một địa phương khó khăn như Hà Giang, rất cần có thêm sự hỗ trợ, trách nhiệm của các cấp, ngành, các tổ chức và xã hội bảo vệ và hồi sinh loài linh trưởng đặc hữu này; tăng cường công tác bảo vệ rừng, tiếp tục có các giải pháp hỗ trợ về sinh kế cho người dân sống quanh khu vực bảo tồn.

Theo baotintuc.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: