Đảm bảo an toàn đê điều trước nguy cơ lũ lớn

Đăng ngày: 16-06-2022 | Lượt xem: 1533
Hiện mực nước tại các hồ thủy điện lớn như Hòa Bình, Tuyên Quang, Sơn La, Thác Bạc đều đã ở mức ngưỡng cao và phải tiến hành xả lũ.

Đáng lo ngại là theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, lượng mưa từ tháng 7 đến tháng 9 năm nay có thể tăng 30% so với cùng thời gian này năm ngoái đòi hỏi các địa phương khu vực hạ du chủ động phương án ứng phó với nguy cơ lũ lớn và ngập lụt có thể xảy ra.

Mới vào đầu mùa mưa nhưng một số hồ thủy điện lớn của cả nước đã phải tiến hành xả lũ.

Nhiều năm qua hơn 9.400 km đê, phần lớn là đê sông, đê biển... trên địa bàn cả nước đã làm tốt nhiệm vụ ngăn chặn lũ lụt, gió bão, bảo vệ tính mạng và tài sản của Nhà nước, nhân dân... Tuy nhiên hệ thống đê này chủ yếu được bồi đắp thủ công qua nhiều thế hệ nên khi thời tiết có những diễn biến phức tạp đã xuống cấp, bộc lộ những nguy cơ sạt trượt, nứt vỡ; nhiều tuyến đê chưa đảm bảo thiết kế, độ rộng nền, mặt cắt thân đê... Theo thống kê, cả nước hiện có hơn 240 km đê trong tổng số 2.740 km đê từ cấp III đến cấp đặc biệt xuất hiện những điểm xung yếu cần được xử lý.

Chủ động ứng phó, hạn chế thấp nhất những hậu quả khi mưa lũ xảy ra, các địa phương có đê đã triển khai nhiều biện pháp phòng chống thiên tai trước mùa mưa lũ. Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Chủ tịch UBND huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa nói: "Chúng tôi xác định nhiệm vụ phòng chống thiên tai phải hết sức chủ động nên chúng tôi đã chủ động các phương án từ 18/4, rất sớm so với chỉ đạo của TW và tỉnh. Chúng tôi xây dựng phương án và giao nhiệm vụ với từng cấp, từng cá nhân, rõ người rõ việc, rõ trách nhiệm; tổ chức chỉ đạo sát sao, nghiệm thu theo phương án các nội và triển khai nhiệm vụ trong phòng chống thiên tai".

Cả nước hiện có hơn 240 km đê từ cấp III đến cấp đặc biệt xuất hiện những điểm xung yếu cần được xử lý.

Nghệ An, một trong những địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng của mưa lũ khắc nghiệt, hiện có hơn 490 km đê các loại với hơn 40 km đê từ cấp 3 trở lên. Với các tuyến đê cấp huyện, ngoại trừ đê biển, đê cửa sông đã được nâng cấp thì các tuyến đê sông dưới cấp độ 3 và nội đồng chưa đạt theo quy hoạch. Ông Trần Quốc Toản, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi cho biết Nghệ An đang cố gắng nỗ lực dành nguồn ngân sách tốt nhất cho việc duy tu, bảo dưỡng đê điều: "Tỉnh cũng đã chỉ đạo triển khai các phương án liên quan như phòng chống phòng chống thiên tai, hộ đê và dành nguồn ngân sách đầu tư các công trình thiết yếu, trọng điểm về thủy lợi, đê điều. Nét mới năm nay là UBND tỉnh cũng hỗ trợ hàng chục tỷ đồng để duy tu những tuyến đê địa phương bên cạnh cạnh nguồn vốn của Trung ương".

Cùng với việc nâng cấp, sửa chữa, gia cố các tuyến đê, các địa phương cũng đẩy mạnh tuyên truyền vận động người dân không làm tổn thương và xử lý nghiêm các vụ xâm phạm đến hành lang đê điều. Như tại huyện Nam Sách (tỉnh Hải Dương), để xử lý triệt để tình trạng vi phạm hành lang an toàn đê, địa phương đã ra quân xử lý dứt điểm 232 vụ vi phạm. Ông Lương Văn Cảnh, Phó Giám đốc Sở NN -PTNT tỉnh Hải Dương cho biết: "Các tuyến đê được bảo vệ tốt hơn khi địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhất là với cộng đồng dân cư sống ven đê: "Tôi đánh giá rất cao vai trò của các tổ cộng đồng, các tổ chức xã hội, đặc biệt là nhân dân ở ven đê. Chúng tôi đã có sáng kiến như ký cam kết như không vi phạm pháp luật đê điều đối với các tổ chức, cá nhân có các hoạt động liên quan đến đê điều, đặc biệt là sự gắn kết của nhân dân vùng ven đê với lực lượng quản lý đê, chính vì thế các hành vi vi phạm được phát hiện kịp thời ngay từ khi phát sinh".

Tại hội nghị thường niên Chủ tịch UBND cấp huyện các tỉnh, thành phố có đê từ cấp III đến cấp đặc biệt năm 2022 mới tổ chức tại thành phố Hạ Long, Tổng cục Phòng chống thiên tai đã đưa ra những cảnh báo cho mùa mưa bão sắp tới. Theo đó, dự báo lượng mưa, lũ từ tháng 7 đến tháng 9 năm nay tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Và với những diễn biến bất thường, mưa trái quy luật diễn ra tại Quảng Bình đến Khánh Hòa từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 4 và gần đây nhất là các đợt mưa lớn liên tục gây ngập lụt Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh,... Chính vì vậy, hội nghị đã thảo luận và làm rõ trách nhiệm của các đơn vị cấp huyện - địa phương trực tiếp quản lý các tuyến đê cần đẩy mạnh công truyền thông về diễn biến khó lường của thời tiết nhằm tránh tâm lý chủ quan, xem nhẹ vai trò của đê điều.

Ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục phòng chống thiên tai khẳng định: "Tâm lý của một bộ phận người dân và chính quyền cho rằng đã có những hồ chứa lớn như hồ Hòa Bình, Tuyên Quang, Sơn La... là những hồ rất lớn, có thể cắt lũ và không xảy ra lũ trên hệ thống đê. Nhưng tôi xin khẳng định, tình hình mưa lũ còn vượt tần suất thiết kế của các hồ chứa và đã phải xả lũ và mực nước đang lên từng giờ mà đây mới đầu mùa mưa lũ. Vì vậy nếu chủ quan sẽ rất nguy hiểm cho người dân đang sản xuất và các hoạt động kinh tế khác".

Biến đổi khí hậu khiến thiên tai, bão lũ ngày càng cực đoan, khó lường. Đặc biệt, với những diễn biến thời tiết bất thường, trái quy luật diễn ra thời gian gần đây việc chủ động cả về tâm lý và chuẩn bị cơ sở vật chất, phương tiện phòng chống, giảm nhẹ thiệt hại do mưa lũ, ngập úng cần được các cấp chính quyền và mỗi người dân hết sức quan tâm, thực hiện./.

Vũ Miền/VOV- Đông Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/dam-bao-an-toan-de-dieu-truoc-nguy-co-lu-lon-post950564.vov

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: